QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TỔ AN TOÀN COVID CỦA TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ KINH TẾ XÂY DỰNG VÀ PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19
13/05/2021 00:03
Ngày 10/05/2021 Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng và Kinh tế xây dựng ban hành Quyết định thành lập Tổ an toàn Covid và chuẩn bị phương án ứng phó với dịch Covid-19 của Trung tâm
QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TỔ AN TOÀN COVID CỦA TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ KINH TẾ XÂY DỰNG


PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang có nhiều diễn biến phức tạp khó lường; thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Ngành Y tế về công tác phòng chống dịch. Để chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp cụ thể khi có dịch Covid-19 diễn ra tại cơ quan. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Chi bộ, thảo luận và thống nhất với Tập thể ban Lãnh đạo, đại diện tổ chức Công đoàn. Trung tâm Kiểm định chất lượng và Kinh tế xây dựng xây dựng phương án ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo từng cấp độ để đảm bảo hoạt động ổn định của Trung tâm trong mùa dịch cụ thể như sau:
I. Mục đích
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm;
- Có các phương án cụ thể để không bị động trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao;
- Thay đổi thái độ, hành vi của cá nhân để tự phòng, tự tránh, tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước tác động của dịch bệnh; không để dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc bệnh; hạn chế giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh Bắc Ninh nói chung và của đơn vị nói riêng.
II. Biện pháp phòng ngừa
1. Tại cơ quan
- Toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động tại cơ quan, thường xuyên theo dõi thông tin trên các kênh truyền thông chính thống và chỉ đạo của Sở Xây dựng, UBND tỉnh để nắm rõ tình hình, thực hiện đúng các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành Y tế, không hoang mang, không lan truyền các thông tin thất thiệt. Khai báo y tế đầy đủ, trung thực khi được yêu cầu.
- Hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người ngoài phạm vi công việc, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế. Tạm dừng các cuộc công tác, du lịch ra nước ngoài hoặc du lịch trong nước nơi có người nhiễm Covid-19.    
- Phòng Hành chính - Tổng hợp chuẩn bị và tăng cường nước rửa tay khô sát khuẩn tại sảnh cơ quan, kèm theo bảng chỉ dẫn cho khách hàng sử dụng khi đến làm việc tại đơn vị, giao bộ phận bảo vệ ghi chép thông tin khách hàng khi đến làm việc tại cơ quan. Liên hệ cơ quan chuyên môn y tế, thực hiện phun khử trùng tiêu độc toàn cơ quan.
- Bộ phận tạp vụ hàng ngày tăng cường vệ sinh cơ quan, lau nền và các bề mặt tiếp xúc bằng các chất tẩy rửa sát khuẩn.
- Các phòng chuyên môn tăng cường thay đổi phương pháp giao tiếp, giải quyết công việc theo hình thức online qua mạng, trường hợp bắt buộc phải giao tiếp trực tiếp với khách hàng thì cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh theo hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19(đeo khẩu trang, rửa tay, khoảng cách tiếp xúc>2m....). Các trưởng bộ phận nhắc nhở khách hàng đến làm việc tuân thủ quy định rửa tay và đeo khẩu trang trước khi làm việc, lưu trữ đầy đủ thông tin khách hàng đến làm việc. 
2. Tại gia đình và địa phương nơi cư trú
Tuyên truyền, phổ biến cho gia đình thực hiện đầy đủ đúng cách các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế và chỉ đạo của các cấp chính quyền. Khai báo y tế đầy đủ, trung thực khi được yêu cầu.
III. Phương án ứng phó các tình huống do dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan
Trung tâm lên phương án ứng phó các tình huống dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động tại cơ quan, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định chung và chủ động trong hoạt động của cơ quan như sau:
1. Nhận thức: Các tác động của dịch bệnh tới hoạt động của đơn vị là tình huống bất khả kháng, có thể tác động tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của cơ quan và quyền lợi của người lao động.
2. Nguyên tắc: 
- Toàn thể cơ quan tuân thủ tuyệt đối các biện pháp chuyên môn được triển khai bởi chính quyền các cấp tại cơ quan về phòng chống dịch bệnh.
- Toàn thể cơ quan đồng tâm hiệp lực để vượt qua khó khăn do dịch bệnh có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan.
- Xử lý tình huống: Áp dụng chung từ Ban Lãnh đạo đến người lao động trong toàn cơ quan.  
3. Phương án ứng phó các tình huống do dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan
3.1. Tình huống 1: Cấp độ 1
- Mô tả: Khi Trung tâm không có F0, F1, F2. Trên địa bàn tỉnh vẫn có người mắc bệnh, vẫn còn các ổ dịch hoặc các ổ dịch chưa được xử lý triệt để.
- Các hoạt động cụ thể (khi không có F0, F1, F2 tại Trung tâm):
+ Người có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải ở nhà, không lên cơ quan; không được để khách đến thăm; thực hiện kiểm tra y tế theo quy định về phòng chống dịch, báo cáo kịp thời trong thời gian theo dõi sức khỏe.
+ Cán bộ đến Trung tâm làm việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang khi đi đến Trung tâm làm việc và khi ra về; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi,..
+ Tổ chức đo thân nhiệt cho cán bộ làm việc của Trung tâm và khách đến làm việc trước khi vào Trung tâm làm việc; thực hiện khai báo y tế đối với khách đến thăm và làm việc nếu thấy cần thiết. Các trường hợp người có biểu hiện ho, sốt, khó thở không vào Trung tâm làm việc.
+ Thực hiện bố trí chỗ ngồi giãn cách phù hợp; hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách tiếp xúc phù hợp.
+ Đẩy mạnh họp, làm việc trực tuyến, hạn chế các cuộc họp không cần thiết.
+ Vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường đối với bàn ghế, tay nắm cửa, các đồ vật, sàn nhà, phòng làm việc, phòng họp, khu vệ sinh... tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cần thiết.
+ Bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng, xà phòng tại các khu vệ sinh.
+ Bố trí đủ thùng đựng rác, chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.
3.2. Tình huống 2: Cấp độ 2
- Mô tả: Khi Trung tâm có người là F2 (người tiếp xúc với người nghi nhiễm F1).
- Các hoạt động cụ thể (khi có F2 tại Trung tâm):
+ Người là F2 phải nhanh chóng khai báo lịch trình tiếp xúc gần, báo cáo cơ quan ngành Y tế, báo cáo Lãnh đạo của Trung tâm để tổng hợp, chỉ đạo; phải liên tục theo dõi tình hình sức khỏe, kết quả chuẩn đoán mắc bệnh của F1; thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở cách ly khác khi có yêu cầu.
+ Khuyến khích cán bộ trong Trung tâm chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến tại nhà. Giao các Trưởng phòng chịu trách nhiệm bố trí, kiểm soát thực hiện nhiệm vụ tại phòng minhg 
+ Bố trí chỗ ngồi giãn cách tối thiểu 2m.
+ Hạn chế tiếp tổ chức, công dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ; hạn chế các cuộc họp không cần thiết.
+ Hạn chế tiếp nhận những hồ sơ mà trong quá trình giải quyết phải xác minh, kiểm tra thực tế tại hiện trường hoặc những nơi có dịch.
+ Thực hiện các biện pháp khác đã nêu tại Mức độ 1.
3.3. Tình huống 3: Cấp độ 3
- Mô tả: Khi Trung tâm có người là F1 (người nghi nhiễm, tiếp xúc trực tiếp ca dương tính virus Corona F0).
- Các hoạt động cụ thể (khi Trung tâm có người là F1):
+ Người là F1 phải nhanh chóng khai báo lịch trình tiếp xúc gần, gửi cho cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi cho đầu mối của Trung tâm để tổng hợp, báo cáo người đứng đầu; Thực hiện cách ly tập trung theo quy định của cấp có thẩm quyền.
+ Cán bộ trong Trung tâm chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nơi cách ly; cá nhân phải chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để làm việc theo hình thức trực tuyến, trường hợp cần thiết phải lên cơ quan thì phải được sự đồng ý của Lãnh đạo Trung tâm.
+ Hạn chế tiếp nhận những hồ sơ mà trong quá trình giải quyết phải xác minh, kiểm tra thực tế tại hiện trường hoặc những nơi có dịch; hạn chế tiếp nhận những hồ sơ không có tính chất cấp bách.
+ Thực hiện các biện pháp khác đã nêu tại Mức độ 2.
3.4. Tình huống 4: Cấp độ 4
- Mô tả: Khi Trung tâm có người là F0 (là bệnh nhân dương tính hoặc được xử lý như dương tính với virus Corona).
- Các hoạt động cụ thể (khi Trung tâm có người là F0):
+ Người là F0 có trách nhiệm khai báo lịch trình tiếp xúc gần, gửi cho cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi cho đầu mối của Trung tâm để tổng hợp, báo cáo người đứng đầu; thực hiện cách ly tập trung và điều trị theo quy định của cấp có thẩm quyền.
+ Tổ chức khử trùng, khử khuẩn toàn bộ Trung tâm; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch như cấp độ 3.
3.5. Đối với lãnh đạo đơn vị
- Trường hợp Giám đốc bị cách ly hoặc điều trị covid-19, đ/c Phó Giám đốc sẽ được ủy quyền thay thế điều hành công việc của đơn vị, theo trình tự sau: đ/c Hà Thanh Sơn được ủy quyền thay thế trong thời gian đồng chí Vũ Quốc Khiêm bị cách ly, điều trị bệnh. Trường hợp cả đồng chí Khiêm và đ/c Sơn đều bị cách ly thì đ/c Đỗ Viết Quế sẽ được ủy quyền điều hành mọi hoạt động của đơn vị trong thời gian các đồng chí trên cách ly. Trường hợp cả 03 đ/c Ban Giám đốc bị cách ly thì người điều hành đơn vị sẽ do đ/c Giám đốc quyết định. Sau khi xin ý kiến trực tiếp của Lãnh đạo Sở Xây dựng.
- Các phòng trong đơn vị, trường hợp Trưởng phòng bị cách ly, các đ/c Phó Trưởng phòng thay thế điều hành hoạt động của phòng. Trường hợp cả Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng bị cách ly, Lãnh đạo phụ trách khối sẽ điều hành trực tiếp hoặc phân công cán bộ chủ trì trong phòng điều hành hoạt động của phòng. 
4. Khôi phục hoạt động của đơn vị sau khi hết yêu cầu cách ly
Ngay sau khi hết yêu cầu cách ly, Phòng Hành chính- Tổng hợp tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn đơn vị. Toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm đi làm việc trở lại, mọi chế độ tiền lương, quyền lợi của người lao động sẽ được khôi phục như trước khi có dịch.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Tổ an toàn Covid-19, các phòng, ban trực thuộc Trung tâm thường xuyên báo cáo, cập nhật thông tin cho Ban Lãnh đạo để biết, chỉ đạo; xây dựng phương án cụ thể để đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; yêu cầu cán bộ, nhân viên thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế.
2. Giao phòng Hành chính - Tổng hợp là đầu mối tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh; Đầu mối liên lạc: Bà Trần Thị Hồng Nga - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, ĐT: 0989.342.999.
3. Các phương án nêu trên là các tình huống bất khả kháng, không mong muốn, yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm không hoang mang trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh; bình tĩnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền và các phương án cụ thể nêu trên./.

 
Nguồn bài viết: http://kcxbacninh.com.vn/
Fanpage
Thống kê truy cập

Trực tuyến: 96

Đã truy cập: 204826