Bàn về công tác kiểm định phục vụ quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
25/06/2012 15:51
Chất lượng công trình xây dựng có liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng, an toàn cộng đồng, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng và chính chất lượng công trình là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của từng công trình xây dựng nói riêng, của cả Quốc gia nói chung
    Hệ thống pháp luật về xây dựng của nước ta đã có những quy định chặt chẽ về việc đảm bảo chất lượng công trình, song việc thực hiện trong thực tế phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý của Chính quyền các cấp mà theo quy định của pháp luật thì Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có trách nhiệm thống nhất quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã có sự thay đổi một cách căn bản. Nhà nước có nhiệm vụ quản lý vĩ mô tức là  tập trung vào xây dựng pháp luật, hướng dẫn pháp luật, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật. Nhà nước không tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất. Vậy, Nhà nước có hoàn toàn yên tâm khi sử dụng số liệu định lượng của chính các chủ thể tham gia xây dựng công trình để làm cơ sở cho kết luận về chất lượng công trình của mình, đặc biệt là trong giai đoạn này khi nền kinh tế nước ta mới tiệm cận nền kinh tế thị trường?
        Nhìn ra các Quốc gia trên thế giới đều có mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng công trình xây dựng vì lợi ích công đồng, lợi ích của Quốc gia. Họ quản lý chất lượng công trình xây dựng bằng pháp luật và bằng chính sự chuyên nghiệp của các tổ chức tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Để kiểm soát được chất lượng công trình các Quốc gia đều coi trọng công tác kiểm tra. Bằng các mô hình khác nhau như mô hình độc lập bên thứ ba ở Mỹ (Bên thứ nhất là Nhà thầu-là người sản xuất tự chứng nhận chất lượng sản phẩm của mình; Bên thứ 2 là sự chứng nhận của bên mua-là Chủ đầu tư; Bên thứ 3 là sự đánh giá độc lập nhằm định lượng chính xác phục vụ mục đích bảo hiểm hoặc khi giải quyết tranh chấp-là Cục xây dựng địa phương).
        Bảo hiểm bắt buộc ở Pháp là một điển hình thực hiện chế độ bảo hiểm công trình mang tính cưỡng chế. Mọi cá nhân, đơn vị có liên quan tới xây dựng công trình như Chủ công trình, đơn vị thiết kế, thi công, Công ty kiểm tra chất lượng, nhà sản xuất chế phẩm xây dựng, kiến trúc sư, công trình sư...đều phải nộp bảo hiểm. Thực hiện chế độ bảo hiểm công trình đã buộc các bên phải tích cực tham gia vào giám sát quản lý chất lượng công trình vì lợi ích của mình, chính là bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người sử dụng.
       Ở Trung Quốc Chính phủ hình thành hệ thống các đơn vị gọi là “Trạm kiểm định chất lượng công trình xây dựng” độc lập do Chính quyền quản lý, được hình thành ba cấp: cấp Tỉnh; cấp Vùng; cấp Trung ương. Các trạm kiểm định này xử lý các tranh chấp về chất lượng, và vì mục đính bảo vệ lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
       Thông qua các mô hình khác nhau, các Quốc gia đã tạo được các dạng “công cụ” hiệu quả của Chính quyền. Các công cụ này đảm bảo khách quan và trong một số trường hợp là phi lợi nhuận. Tính độc lập của các loại công cụ này (không trực tiếp tham gia “ lấn sân ” phần xây dựng) được coi trọng. Vì vậy, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải không ngừng chuyên nghiệp hoá tổ chức và không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm thoả mãn các yêu cầu từ phía chính quyền và khách hàng. Vì vậy có thể nói rằng Nhà nước của các nước phát triển dựa vào chính các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng để quản lý chất lượng công trình xây dựng.
        Ở Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường. Do mới ở giai đoạn đầu nên cơ chế thị trường dễ bị lợi dụng, vấn đề chất lượng dễ bị “thương mại hoá” do chạy theo lợi nhuận. Chất lượng công trình xây dựng cũng không tách khỏi vòng xoáy này. Nhà nước phải quản lý như thế nào vì lợi ích chung của cộng đồng? Trong khi quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng với chức năng là hướng dẫn và kiểm tra sự tuân thủ pháp luật, số liệu định lượng về chất lượng công trình (đạt hay không đạt) thì chủ yếu phụ thuộc vào số liệu định lượng của các chủ thể  tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Vấn đề đặt ra là nếu các số liệu của các chủ thể không chính xác hoặc cố tình không chính xác vì mục đích nào đó, thì việc căn cứ vào số liệu này để đánh giá về chất lượng công trình của quản lý Nhà nước cũng không chính xác. Chính vì lẽ đó Nhà nước cần có một “công cụ” kiểm định chất lượng phục vụ Nhà nước quản lý chất lượng công trình xây dựng. Công cụ đó đòi hỏi phải đạt một chuẩn mực nhất định, đáp ứng được việc cung cấp số liệu chính xác bằng định lượng phục vụ cho việc kết luận về chất lượng công trình của quản lý Nhà nước.
        Theo Thông tư số 03/2011/TT-BXD,  ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ xây dựng, hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng thì công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng được quy định như sau: “Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là hoạt động kiểm tra, xác định chất lượng của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc thí nghiệm kết hợp với xem xét, đánh giá hiện trang bằng trực quan”. Kiểm định phục vụ quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được thực hiện bởi đơn vị tư vấn kiểm định với tư cách độc lập, nhưng phải thỏa mãn là công cụ của quản lý Nhà nước  khi có trưng cầu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp công trình xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước. Công tác kiểm định nhằm đưa ra số liệu định lượng về chất lượng công trình giúp cơ quan quản lý Nhà nước có đủ cơ sở kết luận về chất lượng công trình xây dựng. Ví dụ kiểm định chất lượng cấu kiện bê tông cốt thép, cấu kiện khối xây, kết cấu đường bộ, vật liệu hoàn thiện, kiểm định khối lượng hoàn thành, chất lượng hồ sơ thiết kế…
         Công tác kiểm định chất lượng phục vụ quản lý Nhà nước có thể can thiệp vào các cung đoạn quản lý dự án của Chủ đầu tư khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước như: Đánh giá chất lượng công tác khảo sát xây dựng; Đánh giá chất lượng hồ sơ thiết kế - dự toán; Đánh giá chất lượng thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán; Đánh giá chất lượng cấu kiện, vật liệu đưa vào sử dụng cho công trình; Đánh giá mức độ an toàn công trình…
         Nhiệm vụ của công tác kiểm định chất lượng công trình của Tổ chức kiểm định trong hoạt động xây dựng ở các giai đoạn thi công, khai thác sử dụng công trình là rất quan trọng. Một tổ chức kiểm định không chỉ cần có phòng thử nghiệm hợp chuẩn với đầy đủ trang thiết bị kiểm tra, thí nghiệm trong phòng và hiện trường mà cần có đội ngũ chuyên gia đánh giá. Đồng thời để nâng cao chất lượng của công tác kiểm định, cũng nhận thấy cần phải có quy trình, tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá thống nhất (Hiện nay chúng ta đang tồn tại hai hệ thống thử nghiệm phục vụ cho công tác kiểm định được cấp giấy chứng nhận là VILAS-công nhận bởi tổ chức Hiệp hội, được thừa nhận trên bình diện Quốc tế và Las-XD-cấp phép hoạt động bởi cơ quan Quản lý Nhà nước, được thừa nhận trong lãnh thổ Việt Nam). Muốn vậy, ngoài việc phải biên soạn tiêu chuẩn đánh giá chất lượng kỹ thuật công trình, quy định về phương pháp và các loại thử nghiệm cùng yêu cầu về thiết bị, thời hạn thực hiện còn cần phải có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên được đào tạo, có trình độ và kinh nghiệm. Mặt khác chi phí cho công tác kiểm định phải đủ bù đắp thỏa đáng các chi phí trong quá trình thực hiện kiểm định tiêu tốn. Có vậy, công tác kiểm định chất lượng mới đạt được yêu cầu là “công cụ” kiểm soát và đánh giá chất lượng công trình của Quản lý Nhà nước./.
Nguồn bài viết: MinhNQ_KCX
Fanpage
Thống kê truy cập

Trực tuyến: 62

Đã truy cập: 333701