Hiện tại, tổng số các phòng thí nghiệm là 896. Số lượng như vậy là rất lớn so với nhu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phân bố lại chưa đồng đều, phần lớn tập trung tại các đô thị lớn, nơi có hoạt động xây dựng phát triển mạnh, trong khi ở vùng sâu - vùng xa, số lượng phòng thí nghiệm rất ít. Với vốn đầu tư 1-5 tỷ đồng, năng lực các phòng thí nghiệm chỉ thực hiện được các phép thử thông thường đối với một số loại vật liệu phổ biến (bê tông, xi măng, vữa, kính xây dựng, gốm sứ xây dựng, vật liệu hữu cơ, thiết bị cơ điện hay thí nghiệm và quan trắc kết cấu công trình...), trong khi các phép thử liên quan tới đánh giá tác động của gió, động đất, cháy hầu như chưa được thực hiện.
Việt Nam mới chỉ có 230 tiêu chuẩn kỹ thuật về phương pháp thử. Số lượng tiêu chuẩn như vậy là rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, cũng như với hệ thống tiêu chuẩn của các nước tiên tiến khác. Ví dụ, tại Mỹ, Hiệp hội Tiêu chuẩn thí nghiệm vật liệu Hoa Kỳ (ASTM) đã ban hành trên 2.000 tiêu chuẩn thí nghiệm vật liệu, sản phẩm và kết cấu xây dựng. Việt Nam chưa có quy chuẩn yêu cầu bắt buộc tiến hành thí nghiệm chứng nhận hợp quy thông qua các quy chuẩn kỹ thuật đối với vật liệu, sản phẩm và công trình xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn theo quy định tại Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ.
Theo ông, những tồn tại nào trong hoạt động kiểm định cần phải khắc phục?
Do thiếu quy định về công nhận các tổ chức kiểm định, nên không thể thống kê chính xác số lượng, cũng như quản lý năng lực của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Nhu cầu thực tế đối với hoạt động kiểm định là rất lớn, nhưng số lượng các tổ chức hoạt động có kinh nghiệm trong lĩnh vực này chưa nhiều, chưa có chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp. Ngành kiểm định đang thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như quy trình kỹ thuật hướng dẫn phương pháp kiểm định. Ngoài ra, chưa có quy định tiêu chuẩn về chức danh "giám định viên" hay "kiểm định viên" cho hoạt động kiểm định xây dựng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động kiểm định chất lượng công trình?
Công tác kiểm định chất lượng công trình hiện còn tồn tại một số bất cập như: chưa phân định rõ ranh giới công việc thực hiện giữa tổ chức kiểm tra, chứng nhận với tổ chức tư vấn giám sát; quy trình thực hiện chưa có sự thống nhất... Nguyên nhân là do thiếu quy định về công nhận các tổ chức kiểm định, nên không thể thống kê chính xác số lượng, cũng như quản lý năng lực của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, cần bổ sung các quy định công nhận các tổ chức kiểm định chất lượng công trình, sửa đổi quy định về điều kiện năng lực của tổ chức cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực chứng nhận vật liệu, sản phẩm xây dựng.
Đề án đưa ra những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?
Đề án đưa ra 7 giải pháp chính. Đó là, sẽ tiến hành 5 đợt khảo sát kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định và chứng nhận chất lượng; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện cơ chế chính sách; tiến hành đào tạo nghiệp vụ; đầu tư thiết bị và cơ sở hạ tầng; biên soạn tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động mạng kiểm định.
Cụ thể, kinh phí và lộ trình thực hiện Đề án ra sao?
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn vốn khác. Trong đó, nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư, hỗ trợ các đối tượng và nội dung phục vụ quản lý vĩ mô, nâng cấp các hệ thống và phục vụ quản lý nhà nước. Về kinh phí, được huy động từ nguồn vốn xã hội, chủ yếu do các tổ chức thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp tự đầu tư. Tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 224,85 tỷ đồng.
Theo lộ trình, nếu được phê duyệt, Đề án sẽ được thực hiện từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2014.