Góc nhìn chất lượng công trình xây dựng từ quản lý
01/02/2013 09:41
Luật xây dựng đi vào cuộc sống, sự vận động linh hoạt của cơ chế thị trường, sự phân cấp mạnh về quản lý chất lượng công trình xây dựng của nhà nước đã tác động tích cực và phân rõ trách nhiệm đến từng chủ thể tham gia quản lý và đầu tư xây dựng. Thông qua đó chất lượng công trình xây dựng được nâng lên rõ rệt qua từng năm trở lại đây. Tuy nhiên chất lượng công trình xây dựng cũng còn một số vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm và trăn trở.
    Chất lượng công trình xây dựng có tác động rất lớn đến chất lượng cuộc sống dân sinh, qua thống kê các vụ khiếu kiện của nhân dân liên quan đến chất lượng công trình chiếm tỷ trọng đáng kể, bởi một nhẽ giản đơn là chất lượng công trình xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sinh mạng, an toàn tài sản và quyền lợi hợp pháp của người dân.


(Công tác thi công cốt thép - Ảnh minh họa)
     Để tạo ra sản phẩm là công trình xây dựng đạt chất lượng không chỉ là an toàn kết cấu, không chỉ là chất lượng vật liệu , chất lượng thi công mà bao gồm toàn bộ những hoạt động, những chế tài tạo thành sản phẩm công trình xây dựng. Như chất lượng quản lý, chất lượng bộ máy con người thực thi, chất lượng thiết bị, chất lượng hồ sơ thiết kế, chất lượng thẩm tra, thẩm định, tiêu chuẩn áp dụng v.v... Ở đây tôi xin đề cập đến chất lượng công tác quản lý. Chủ thể quan trọng nhất về quản lý chất lượng công trình xây dựng là chủ đầu tư, việc này đã được luật xây dựng khẳng định là chủ thể chịu trách nhiệm một cách toàn diện về chất lượng công trình. Tuy nhiên chủ đầu tư được hình thành rõ hai sắc thái, một là chủ đầu tư là người có tiền đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn của mình (thường là các công trình nhà xưởng, văn phòng trong khu công nghiệp, nhà ở người dân v.v...). Chủ đầu tư này rất quan tâm đến chất lượng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác sử dụng của họ. Hai là chủ đầu tư được hình thành thông qua một quyết định hành chính, chủ đầu tư này thực hiện công tác quản lý chất lượng bằng công cụ pháp luật và bằng chính cái tâm của họ vì cộng đồng. Nếu chủ dầu tư này không quan tâm đến chất lượng thì có thể xảy ra hai trường hợp, một là thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng một cách đối phó, cho "kín" hồ sơ. Hai là tìm cách lách luật để giảm chất lượng công trình xây dựng nhằm tăng lợi nhuận cho nhà thầu thi công hoặc lý do khác. Điều căn bản của vấn đề này là đồng vốn bỏ ra để xây dựng công trình không phải của cá nhân hay tổ chức đó, mà họ chỉ liên quan đến trách nhiệm mà thôi.
     Một nghịch lý ta thấy thông qua các cuộc kiểm tra chất lượng công trình của quản lý nhà nước là: Chủ đầu tư thực thụ, họ bỏ vốn ra để đầu tư, họ mong muốn chất lượng và tiết kiệm thực sự, kết quả là cơ bản công trình của họ đạt chất lượng thực sự. Tuy nhiên về mặt thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật thì thường là không đầy đủ. Còn Chủ đầu tư được giao vốn thông qua quyết định hành chính thì thủ tục hồ sơ rất tốt, nhưng thực tế chất lượng công trình và tính tiết kiệm kinh tế lại hay thua những công trình có chủ đầu tư thực thụ (chủ đầu tư bỏ vốn trực tiếp để đầu tư)
     Nói vậy không có nghĩa là các chủ đầu tư đều không quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đến chất lượng công trình xây dựng. Tuy nhiên trước thực trạng về chất lượng công trình xây dựng đã được đề cập rất nhiều trong các hội nghị, hội thảo ... chủ yếu rơi vào tính chủ quan của các chủ đầu tư khi quản lý chất lượng công trình xây dựng đặc biệt là các chủ đầu tư cấp xã (phường), đối tượng này chịu sự quản lý hành chính của cấp huyện (thị xã, thành phố).
     Trước thực trạng trên nên chăng việc quản lý chất lượng công trình xây dựng của quản lý nhà nước cấp huyện (thị xã) cần phải tăng cường, ví dụ chí ít cũng phải nắm bắt được trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu công trình xây dựng chuẩn bị và đang triển khai, ai là chủ đầu tư, công trình xây dựng đó có biểu hiện gì về vi phạm chất lượng? v.v... từ đó có giải pháp quản lý về chất lượng công trình tốt hơn. Đồng thời cũng giúp quản lý nhà nước là sở xây dựng cấp tỉnh (thành phố) là cơ quan đầu mối về xây dựng có bức tranh tổng thể về chất lượng công trình xây dựng, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh (thành phố) có chế tài cụ thể, chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, thông qua đó chính là nâng cao chất lượng cuộc sống dân sinh mà các cấp quản lý hằng mong đợi.

Nguồn bài viết: N.Q.M_KCX
Fanpage
Thống kê truy cập

Trực tuyến: 16

Đã truy cập: 333674