Phần I. Tổng quan chung công tác kiểm định, giám định
I. Tài liệu hướng dẫn.Luật xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc Hội về xây dựng;
Nghị định Số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Nghị định 209/204/ NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính Phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 209/2004/NĐ-CP;
Thông tư số 03/ 2011/TT-BXD ngày 06/4/2011 của Bộ xây dựng Hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.
Nghi định 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp.
Thông tư 35/2009/TT-BXD ngày 05/10/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn giám định tư pháp xây dựng
II. Khái niệm về kiểm định và giám định chất lượng công trình xây dựng.
1. Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là hoạt động kiểm tra, xác định chất lượng của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc thí nghiệm kết hợp với việc xem xét, đánh giá hiện trạng bằng trực quan.
2. Giám định chất lượng công trình xây dựng là hoạt động kiểm định do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện hoặc trưng cầu, yêu cầu thực hiện.
III. Các trường hợp phải thực hiện việc kiểm định, giám định chất lượng công trình xây dựng.
1. Các trường hợp phải thực hiện việc kiểm định:
a) Khi công trình xảy ra sự cố hoặc có khiếm khuyết về chất lượng;
b) Khi có tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng;
c) Kiểm định định kỳ công trình xây dựng trong quá trình sử dụng;
d) Cải tạo, nâng cấp hoặc kéo dài tuổi thọ công trình xây dựng;
đ) Phúc tra chất lượng công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Các trường hợp thực hiện việc giám định:
a) Khi có quyết định trưng cầu của cơ quan tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng (giám định tư pháp xây dựng);
b) Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hoặc các cơ quan quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật (gọi chung là cơ quan quản lý nhà nước).
IV. Vai trò, mục đích của việc thực hiện kiểm định, giám định chất lượng công trình xây dựng.
1. Vai trò:
1.1 Kiểm định trong quản lý chất lượng công trình xây dựng: Là hoạt động kiểm tra, xác định chất lượng của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc thí nghiệm kết hợp với xem xét, đánh giá hiện trang bằng trực quan. (Thông tư số 03/2011/TT-BXD).
1.2 Kiểm định phục vụ quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Là đơn vị kiểm định độc lập khi có trưng cầu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp công trình xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm đưa ra số liệu định lượng về chất lượng công trình giúp cơ quan quản lý Nhà nước có đủ cơ sở kết luận về chất lượng công trình xây dựng.
1.3 Kiểm định trong quá trình thi công xây dựng: Tổ chức kiểm tra chất lượng nhằm thực hiện các cam kết trong hợp đồng giao nhận thầu giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu.
Thông qua số liệu của báo cáo kết quả của công tác kiểm định Chủ đầu tư so sánh với kết quả quản lý chất lượng của Nhà thầu khẳng định tính chính xác cam kết về chất lượng của Nhà thầu khi nghiệm thu. Đồng thời phát hiện những sai sót kịp thời khắc phục.
1.4 Kiểm định phục vụ chuẩn đoán kỹ thuật công trình xây dựng: Kết quả kiểm định về vật liệu và kết cấu là căn cứ để đánh giá về thực trạng chất lượng công trình
2. Mục đích: Giúp cho Chủ đầu tư, chủ nhà hiểu rõ hiện trạng và chất lượng của ngôi nhà cần sửa chữa cải tạo hoặc nâng tầng, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn về quy mô và công năng phù hợp với công trình của mình.