Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đình Đang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật cho biết: Lộ trình đến 2024, đối với tất cả các dự án có công trình cấp 1, cấp đặc biệt không phân biệt nguồn vốn đều bắt buộc áp dụng BIM cho đầu tư xây dựng. Do đó, việc áp dụng BIM là vô cùng cần thiết, cần tất cả các đơn vị tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.
Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật được lãnh đạo Cục Hạ tầng kỹ thuật tin tưởng, giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mô hình thông tin (BIM) cho công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ các nhiệm vụ của Cục trong công tác quản lý Nhà nước.
Ông Vũ Đình Đang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với mục đích đưa ra cái nhìn tổng quan hơn về lộ trình áp dụng BIM cho ngành Xây dựng nói chung, cũng như thực tế áp dụng BIM cho các dự án Hạ tầng kỹ thuật nói riêng.
Ông Nguyễn Kim Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật cho biết: Mục tiêu của Trung tâm trong thời gian tới sẽ là tham gia xây dựng lộ trình phát triển ứng dụng BIM trong ngành Xây dựng (Kế hoạch triển khai lộ trình áp dụng BIM, Tiêu chuẩn về BIM...); chuẩn bị cơ sở vật chất, năng lực nhân sự để áp dụng BIM.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đang hợp tác với các đơn vị tư vấn xây dựng, tư vấn BIM hàng đầu hiện nay như DBIM, IIC, RDSic, VCC, CDC... đồng thời kết hợp, liên danh triển khai các dự án trong lĩnh vực tư vấn xây dựng.
Ông Nguyễn Kim Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật phát biểu tại Hội thảo.
Chia sẻ về lộ trình áp dụng BIM và các hướng dẫn áp dụng BIM tại Việt Nam, TS. Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Đầu tư và xây dựng số thuộc Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: BIM có thể được hiểu là việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hóa các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình.
Tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình tại Quyết định số: 2500/QĐ-TTg. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn.
Sau khi theo dõi, đánh giá giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình áp dụng cụ thể cho giai đoạn 3.
Bên cạnh đó, việc áp dụng BIM cũng được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Xây dựng, Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hay Thông tư 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng.
Về hướng dẫn áp dụng BIM, ngày 2/4/2021, Bộ Xây dựng đã ban Quyết định số 348/QĐ-BXD hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) và Quyết định số 347/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 về việc công bố hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
TS. Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Đầu tư và xây dựng số thuộc Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ về lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam.
Chia sẻ về ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình, ThS. Nguyễn Danh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng DBIM đã chỉ ra 10 ứng dụng chính của BIM trong thiết kế công trình hạ tầng
Thứ nhất là công tác khảo sát, xây dựng mô hình hiện trạng của các công trình, thiết bị xây dựng. Thứ hai là phân tích, tính toán, mô phỏng thiết kế. Thứ ba là phát triển thiết kế - mô hình thiết kế. Thứ tư là kiểm tra, thẩm tra, đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế của chủ đầu tư. Thứ năm là điều phối thiết kế - 3D Coordination nhằm đưa ra phương án thiết kế tối ưu. Thứ sáu là quản lý khối lượng thiết kế. Thứ bảy là quản lý chi phí. Thứ tám là quản lý và theo dõi tiến độ công trình. Thứ chín là giám sát thi công xây dựng. Thứ mười là hỗ trợ xây dựng mô hình hoàn công.
Ứng dụng BIM trong quản lý vận hành công trình, mỗi đối tượng đều có dữ liệu được liên kết thuộc tính tài sản, tài liệu đính kèm, thuộc hệ thống nào trong công trình, đối tượng hoặc vị trí khác mà đối tượng này đang ảnh hưởng tới, các công việc đang có liên quan đến đối tượng này. BIM không thay thế các phần mềm quản lý vận hành khác mà cùng tham gia với các phần mềm để vận hành các công trình.
ThS. Nguyễn Danh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng DBIM chia sẻ ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình.
Cũng tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Danh Thắng đã chia sẻ việc ứng dụng BIM để triển khai một dự án nhà máy nước thải thực tế, công suất xử lý 12.000m3/ngày đêm.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Thái An đã trình bày thực tế việc áp dụng BIM của tổng thầu EPC tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.
Ở phần thảo luận, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các vấn đề chính như nâng cao nhận thức về BIM, lộ trình áp dụng BIM, tiêu chuẩn về BIM, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho việc áp dụng BIM, xây dựng cơ sở dữ liệu BIM, nghiên cứu đưa việc áp dụng BIM vào Luật Cấp thoát nước, phân loại công trình bắt buộc phải áp dụng BIM, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc áp dụng BIM…
Kết luận Hội thảo, TS. Trần Hoài Anh, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đánh giá cao Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật đã chủ động trong việc tiếp cận, đề xuất việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai áp dụng mô hình BIM vào công tác tư vấn.
Phó Cục trưởng đề nghị Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ Cục Hạ tầng kỹ thuật trong công tác quản lý trong thời gian tới; sớm có báo cáo tổng kết Hội thảo, nêu các nhóm vấn đề cần xử lý đối với việc áp dụng BIM cho dự án hạ tầng kỹ thuật, đề xuất phương hướng hoạt động của Trung tâm.
Trong thời gian tới, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc áp dụng BIM cho hoạt động xây dựng; nghiên cứu đề xuất để có các văn bản hướng dẫn việc áp dụng BIM cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; sớm có báo cáo Lãnh đạo Bộ để phối hợp ban hành quy trình thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu có tệp BIM theo lộ trình.