Kiến nghị tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp
03/11/2023 10:08
(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, sáng 22/11.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận hội trường sáng 2/11.
 

Khắc phục dàn trải trong đầu tư công trung hạn

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đều đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; Tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được một số kết quả tích cực góp phần đạt mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu nhận định những kết quả tích cực của kế hoạch đầu tư công trung hạn là động lực chính thúc đẩy, giữ nhịp cho tăng trưởng năm 2023 và mở ra không gian tăng trưởng mới.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn ĐBQH Cà Mau nhận định: Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy kết quả thực hiện đầu tư công rất tốt. Hết năm 2023 cả nước hoàn thành trên 12.000 dự án, chiếm trên 50% số dự án.

Đặc biệt là đầu tư công trung hạn lần này đã khắc phục được những dàn trải, tập trung vốn cho hạ tầng lớn quốc gia, đến nay đã hoàn thành trên 1.800 km đường cao tốc, đang khởi công thêm 1.600 km và nỗ lực cao trong việc đầu tư sân bay Long Thành là sân bay lớn nhất cả nước. Đến năm 2030 chúng ta sẽ có 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành các sân bay, bến cảng lớn, đây là những kết quả rất đáng tự hào.

Thể chế đầu tư công đang được hoàn thiện, nhất là thể chế phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương chủ động thẩm định, phê duyệt dự án, kể cả những dự án lớn như đường cao tốc. Nhiều cơ chế đầu tư mới đã được giao cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện. “Tôi cho rằng những cơ chế này sẽ là tiền đề để đẩy mạnh đầu tư công trong các giai đoạn sau”, đại biểu Đinh Ngọc Minh nhận định.

Đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh đầu tư công

Để kế hoạch đầu tư công trung hạn ở giai đoạn 2021 - 2025 về đích với hiệu quả và kết quả cao nhất, các ĐBQH cho rằng trong nửa cuối giai đoạn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm chính trị hơn nữa của cả hệ thống chính thị từ Trung ương đến địa phương, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại hiện có.

Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH Tuyên Quang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 4 nội dung: Một là, các địa phương, các chủ đầu tư phải rà soát, đánh giá kỹ những dự án có khả năng giải ngân để tập trung bố trí vốn, tránh dàn trải dẫn đến nhiều dự án dở dang phải làm thủ tục gia hạn và gây lãng phí.

Hai là, trong quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Việc này phải được chuẩn bị kỹ trong kế hoạch lựa chọn tư vấn từ sớm, song song với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.

Ba là, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được nhiều địa phương tập trung quan tâm, xác định đây là khâu rất quan trọng để dự án triển khai thực hiện được.

Ngoài việc kiến nghị tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp gắn với quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ như nhiều địa phương, đại biểu đề xuất: Kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhận thức việc bố trí tái định cư là bố trí cuộc sống mới cho người dân nên cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang ở hiện hữu để có cuộc sống mới tốt hơn.

Bốn là, đối với nguồn vốn đầu tư, đại biểu kiến nghị nên nghiên cứu một số dự án quy mô lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước…

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ phân tích: Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại Nghị quyết số 29 Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị: Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai thực hiện đề án này, đồng thời đánh giá hiệu quả của đề án khi triển khai thực hiện trong việc nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH Nghệ An nhận định: Vướng mắc nhất và chậm được tháo gỡ nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.

Đại biểu kiến nghị: Cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc cũng đề nghị với Quốc hội tách giải phóng mặt bằng các dự án từ nhóm A trở lên trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.

Đại biểu đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường phân cấp cho chính quyền các cấp trong đầu tư công…

Tác giả: Quý Anh
Nguồn bài viết: Báo Xây dựng
Fanpage
Thống kê truy cập

Trực tuyến: 41

Đã truy cập: 286813